Nguyên Nhân Trẻ Thiếu Vi Chất Dinh Dưỡng
Không ít trẻ nhỏ Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2019 – 2020, cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ thiếu sắt. Nghiên cứu của Tổ chức Dinh dưỡng Đông Nam Á cũng cho biết, bữa ăn hằng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất. Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu vi chất ở trẻ có thể kể đến:
- Chế độ ăn uống chưa cân đối và phù hợp: Trẻ chưa được cung cấp đủ các loại thực phẩm chính là đạm, tinh bột, rau củ, trái cây, chất béo tốt,… có thể dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất quan trọng.
- Thói quen ăn uống chưa đảm bảo: Ăn nhiều thức ăn chứa nhiều đường, chất béo không lành mạnh có thể làm giảm hấp thu các vi chất dinh dưỡng quan trọng.
- Vấn đề tiêu hóa: Một số trẻ gặp vấn đề về tiêu hóa dẫn đến khó hấp thụ dưỡng chất.
Biểu Hiện Trẻ Thiếu Vi Chất Dinh Dưỡng
Chuyên gia – BS.CKI. Phan Thị Hiền Thu – Nguyên Trưởng khoa Truyền thông GDSK Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: “Trẻ tăng cần đều, ổn định vẫn bị phát hiện thiếu vi chất sau khi được bác sĩ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm dinh dưỡng.” Theo Bác sĩ Thu, 2 nhóm vi chất mà trẻ thường xuyên và dễ dàng bị thiếu hụt nhất là Canxi – Vitamin D và Sắt.
Đối với nhóm đầu tiên: Canxi – Vitamin D, biểu hiện trẻ thiếu vi chất thể hiện qua:
- Còi xương sớm: Canxi là một vi chất quan trọng cho sự phát triển của xương và răng ở trẻ nhỏ. Trẻ thiếu canxi có thể dẫn đến tình trạng còi xương sớm, khiến xương yếu và dễ gãy.
- Khó ngủ, hay giật mình khóc đêm, đổ mồ hôi, nấc cụt, rụng tóc: Vitamin D đóng vai trò quan trọng giúp duy trì hệ miễn dịch. Trẻ thiếu vitamin D có thể gặp phải các biểu hiện như khó ngủ, rụng tóc,… dẫn đến thể trạng mệt mỏi và khó chịu.
- Chậm mọc răng hoặc răng xỉn màu: Răng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và cũng cần được chú ý trong quá trình phát triển của trẻ. Thiếu các vi chất dinh dưỡng như Canxi và Vitamin D có thể dẫn đến việc răng trẻ mọc chậm, yếu và xỉn màu dù phụ huynh có đánh răng cho bé kĩ và thường xuyên.
- Chiều cao tăng chậm sau mỗi tháng: Nếu nhận thấy trẻ không tăng chiều cao đáng kể sau mỗi tháng, đây có thể là một biểu hiện của việc thiếu vi chất dinh dưỡng.
Nhóm vi chất thứ 2 là Sắt, thường bị thiếu hụt ở trẻ từ sau 6 tháng tuổi. Nguyên nhân của việc thiếu sắt ở trẻ có thể là do: Bé bị thiếu nguồn sắt dự trữ từ mẹ trong quá trình mang thai (mẹ thiếu cân, uống biên sắt chưa đủ trong thai kỳ,…), hoặc thiếu sắt trong chế độ và thức ăn dặm bổ sung từ bên ngoài. Lúc này, trẻ thiếu sắt sẽ có những biểu hiện:
- Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt: da thường có màu nhạt, sáng hơn so với bình thường hoặc thậm chí có màu xanh trên các vùng như mặt và lòng bàn tay.
- Thường xuyên ốm vặt, suy giảm sức đề kháng: Thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ, khiến cho trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng.
- Mệt mỏi, thiếu tập trung: Trẻ thiếu sắt thường có khả năng tập trung kém, luôn cảm thấy mệt mỏi và không có đủ năng lượng để tham gia vào các hoạt động thường ngày.
- Dễ mắc các bệnh về da như mẩn ngứa, dị ứng: Thiếu sắt có thể làm cho da trở nên nhạy cảm hơn, từ đó dễ bị kích ứng và dễ mắc các vấn đề về da như mẩn ngứa, dị ứng da.
Cách Bổ Sung Vi Chất Dinh Dưỡng Cho Trẻ
Vi chất dinh dưỡng tuy với hàm lượng rất nhỏ nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm theo dõi, chú ý các biểu hiện của trẻ để phát hiện và đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo trẻ tăng trưởng và phát triển toàn diện:
- Đảm bảo chế độ ăn uống cân đối và phù hợp: Chủ động cung cấp đủ các nhóm thực phẩm quan trọng, giàu vi chất ngay từ khi trẻ mới ra đời.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Phụ huynh không nên tự ý bổ sung vi chất cho trẻ vì không đảm bảo hàm lượng vi chất này có phù hợp với cơ thể trẻ hay không. Lúc này, cần cho trẻ đi thăm khám thường xuyên để được bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng tư vấn chính xác và linh hoạt.
- Sử dụng thực phẩm bổ sung: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thực phẩm bổ sung như vitamin, khoáng chất hoặc các dưỡng chất khác để đảm bảo trẻ nhận đủ dinh dưỡng cần thiết.